Chuyện vui, chuyện buồn
Cá nhân mình cố gắng, hết mình vì một điều gì đó xứng đáng, cuối cùng kết quả có thế nào thì đó cũng chính là thành công, bởi thành công bền vững là chiến thắng chính bản thân mình.
Chuyện vui!
Trước giờ vẫn vậy, thích làm gì thì làm dù ai có nói điều đó không hợp hoặc không có kết quả tốt.
Cách đây rất lâu, lâu là khoảng 1 năm trước. Lần đầu tiên đứng ở vai trò là đạo diễn một phim ngắn tham gia cuộc thi “Chuyện đời qua phim”, rồi cũng làm cả quay phim, dựng hậu kỳ… chỉ duy có chức danh diễn viên là chưa làm qua, vì không thích bị đem vào ống kính. Ai mà ngờ được, chẳng ai ngờ được phim có giải, không chỉ 1 lần mà tới tận 2 lần. Thế đấy, đâu có nhằm vào mục đích có giải, chỉ làm vì thích, vì tò mò, vì sức hấp dẫn của môn nghệ thuật thứ 7 thôi. Ấy vậy mà, có kết quả – tạm gọi là thành công.
Rồi chuyện viết báo, viết truyện, làm radio.
Rồi cũng được gọi là biên tập, leader, là sếp ở những vai trò và vị trí khác nhau.
Không học báo chí, nhưng cái duyên với nghề này không né tránh được. Cuộc sống mỗi ngày xoay quanh câu chữ, những trang viết, trang sách. Tiếc một điều là chưa đi xa, chưa trải nghiệm được nhiều.
Một lĩnh vực rất mới – radio. Trước không nghe, có nghe cũng không xác định được nó là gì, vậy mà cũng trở thành một thành viên trong đội ngũ sản xuất radio. Biên tập! Nhớ lần đầu gửi bài test với lỗi sai chi chít, thế mà trước lại cứ nghĩ mình chắc về tiếng việt lắm, ngữ pháp cũng không sai gì đâu, lỗi chính tả cũng chẳng có đâu. Ấy vậy mà sai nhiều lắm. Giờ thì… hạn chế tối đa rồi.
Lấn sân sang làm kỹ thuật, cũng mix, cũng dựng như ai. Thực ra từ làm radio nên có kỹ năng dựng phim, từ dựng phim thì biết viết truyện và viết kịch bản nó khác nhau thế nào. Tưởng không liên quan, nhưng là một chuỗi mắt xích bền chặt, lâu dài. Tưởng liên quan hóa ra là liên quan thật.
Cách đây hơn 1 tháng, tham gia một cuộc thi làm phim lan truyền cho tổ chức phi lợi nhuận. Quả thực không muốn nhắc đến cái tổ chức không ra gì ấy. Không ra gì có nghĩa là không ra gì, là chẳng có gì để mà nghĩ nó tốt đẹp hoặc đáng được nói những điều tốt đẹp.
Nghĩ lại, nếu hồi ấy mình bỏ giữa chừng, sẽ không nhận được những cái nhìn khinh thường, những cử chỉ thiếu tôn trọng và lời chê bai ngớ ngẩn của những kẻ được cho là đang làm việc cao cả ấy. Nhưng cũng là nghĩ, nếu hồi ấy mà bỏ cuộc, giờ cũng chẳng có mặt mũi nào nhớ lại rồi viết thế này. Mình làm tốt, làm hết khả năng và không bỏ cuộc thì mới có quyền lên tiếng cho những điều không ra gì.
Rồi cách đây 1 tháng, lúc nhận ra trước kết quả sẽ chẳng đi đến đâu đối với cuộc thi làm phim lan truyền, quyết định đăng ký thi tranh biện. Mình vốn thế, không suy nghĩ nhiều về kết quả trước khi làm việc gì đó, đơn giản kết quả thì không biết trước, cứ ngồi phán đoán kết quả chỉ khiến mình lôi thêm những chứng cứ rằng có rủi ro và không nên làm.
Bàn lùi không phải điều mình thích và mình cũng chẳng bao giờ muốn làm điều đó, nếu bất đắc dĩ lắm mới phải suy xét bàn lùi. Còn không tiến là cứ tiến.
3 ngày thi gay cấn, gặp những yếu tố khách quan chen ngang: đi tham gia buổi thử tranh biện thì một thành viên xe bị hỏng, đến không được, cuối cùng nhìn người ta nói thôi. Lịch thi giữa kỳ chen khít lịch thi vòng loại, thế là lập cập đủ đường, chuẩn bị trước không tốt như đa số đội. Cứ tưởng tượng cảnh lên thi vòng loại mà mỗi người có mỗi một tờ giấy, còn đội bạn cứ từng xấp lập luận, lận điểm, luận cứ… cũng khá choáng.
Phản xạ! Điều này mình học được từ những ngày thi tranh biện vừa qua. Phản xạ tốt thì môi trường nào cũng thích nghi được, phản xạ kém thì sẽ tốt nếu có sẵn khuôn mẫu, còn bất ngờ quá thì chẳng làm nên trò gì.
Tưởng thua cuộc, vì quả thực đã thua ở vòng loại 2. Nhưng kết quả cuối cùng bất ngờ, đứng vị trí thứ 3 trong top 8 lọt vào vòng tứ kết giải đấu tranh biện miền Nam. Giờ thì hiểu thêm cái gì gọi là thành công bền vững: Cá nhân mình cố gắng, hết mình vì một điều gì đó xứng đáng, cuối cùng kết quả có thế nào thì đó cũng chính là thành công, bởi thành công bền vững là chiến thắng chính bản thân mình. Quan điểm cá nhân là thế.
Chuyện buồn!
Đang mơ màng tận hưởng niềm vui, nhận được tin nhắn của chị. Ba chị đi rồi. Mất vài giây để phá băng nụ cười còn đông cứng trên môi. Ranh giới giữa niềm vui và nỗi buồn đôi khi mỏng manh thật đấy, chỉ một cái chạm nhẹ bởi ánh mắt, bởi lời nói, bởi cái hít thở thôi cũng vỡ tan. Ranh giới giữa còn và mất cũng thế thôi. Con người ai cũng sẽ chết, nghĩ và nhìn thẳng vào thực tế là thế. Sinh, lão, bệnh, tử mà, muốn không tử trừ khi đừng sinh. Khi em được sinh ra, nhận thức rằng mình đang có mặt trên đời thì cũng biết mình sẽ phải chết vào một ngày nào đó. Nhưng cái khiến em đau đơn và nghĩ nhiều là việc mình phải chứng kiến những người mình thương yêu trải qua vòng quy luật tự nhiên ấy.
Em hiểu, vô cùng hiểu và em tin chị hay bất kỳ đứa con nào cũng hiểu.
Như lúc em nghe mẹ bị bệnh nhập viện, em đã khóc òa chỉ vì lo cho cả bố. Cảm giác sợ mất mát nó bao bọc lấy tim em, tưởng nếu không ai phá nó, nó sẽ bóp nghẹt em khiến em không thở nổi mất. Em lại đang ở Sài Gòn, lỡ như… đấy, em đã nghĩ lỡ như có chuyện gì, em không về kịp và không được ở bên thì sẽ thế nào.
Mỗi lần nghe tin vui là mẹ đỡ bệnh, bố đỡ đau, em cũng vẫn cứ lo. Điều đó chứng tỏ họ đang bị bệnh, đang bị đau. À, hóa ra họ đã đi đến 3/4 chặng đường sinh, lão, bệnh, tử. Em lo lắm. Nhưng dù sao cũng phải chấp nhận thôi.
Như cách chị chấp nhận sự ra đi của ba, chị nhắn tin nói với em, cũng nhẹ nhàng, nhưng em biết có cả sự đau đớn. Em không nhắn lại và cũng không muốn nói gì hơn, bởi đó là ranh giới không thể khác hơn, không kéo ra xa cũng không hòa làm một. Chỉ tồn tại theo quy luật tự nhiên và ai rồi cũng sẽ phải trải qua.
Em sẽ không nói chị đừng khóc, chị đừng buồn. Nhưng em muốn chị đừng gục ngã. Hãy như những người chị yêu thương và yêu thương chị, sống tốt và vững vàng bước qua 4 chặng đường sinh, lão, bệnh, tử như ba chị đã làm – rất tốt. Chị nhé.
GreenStar
Không có nhận xét nào