ĐỪNG BỎ LỠ

Những bài học từ cuộc sống


Giá trị cuộc sống được đánh giá dựa trên hai điều cơ bản: Tiền và đạo đức. Đó cũng là hai điều mà ai cũng cố gắng phấn đấu để đạt được.

1. Động lực

Động lực là gì? Là một nguồn lực giúp cho sự nhác nhớn của ta động đậy một cách tự giác hoặc không tự giác, nhưng tóm lại là ta vẫn làm.
Như việc ôn bài thi, có người động lực là điểm cao để được nhận sự tán thưởng của người khác, thế là học chăm chỉ. Có người động lực là món quà được nhận từ ai đó, thế là cố nhồi nhét cho qua. Cũng có người, mà không, rất nhiều người, động lực để ôn bài là chẳng vì điều gì cả, chỉ là theo quy luật, thi thì ôn, ôn để thi, còn ôn như thế nào, thi ra sao còn tùy vào may mắn.
Như việc thay đổi bản thân. Động lực là tình yêu, yêu thì ai chẳng muốn mình trở nên xinh đẹp, yêu thì ai chả muốn được người yêu khen. Thế là tình yêu hóa thành động lực mạnh mẽ. Trớ trêu là nếu hết yêu, động lực vẫn còn và còn trở nên mạnh mẽ hơn nhiều. Chỉ có điều sự thay đổi đi theo hai hướng: hoặc tốt lên, hoặc tệ đi.
Vậy đó.


2. Xuất phát điểm

Thầy cô thường dạy máy móc rằng: “Các trò à, mỗi người đều xuất phát điểm như nhau, hơn nhau là ở sự phấn đấu không ngừng nghỉ.” Ngày xưa nghe xong thấm và cảm thấy đúng, nhưng bây giờ, khi đã thực sự bước chân vào xã hội lắm bon chen, lắm hạng người, ta nhận ra lý thuyết kia… nhầm to rồi.
Thầy cô không sai, nhưng nếu áp dụng cho các vận động viên chạy đua thì có lẽ đúng, còn với xã hội này, điều đó không đúng đâu.
Xuất phát điểm là đứng cùng một mức, nhưng xã hội này đủ loại người, phân biệt rõ ràng thành hai loại: Loại có điều kiện và loại thiếu điều kiện. (Điều kiện có thể là tiền, quyền lực, địa vị…) Dù đứng cùng một mức thì chẳng thể nào giống nhau. Đua theo thì chỉ có thiệt – loại người thiếu điều kiện ấy. Tốt nhất nên biết mình là ai chứ đừng cố xem mình đứng ở vị trí nào, sống và hưởng theo những gì mình có, ganh đua nhưng phải biết đua với ai.
Tóm lại, ta sống thì phải biết ta là ai.


3. Tiền và đạo đức

Con người ta, giá trị cuộc sống được đánh giá dựa trên hai điều cơ bản: Tiền và đạo đức. Đó cũng là hai điều mà ai cũng đang cố gắng phấn đấu để đạt được.
Người có tiền thì cũng muốn trở nên có đạo đức, để nhận được sự tôn trọng của nhiều người.
Người có đạo đức muốn có thêm tiền, để mọi người nhìn thấy tài đức vẹn toàn của mình?
Ai cũng nghĩ điều đó dễ dàng, nhưng không dễ như họ tưởng.
Người có đạo đức, muốn có tiền thì phải bán đi bớt đạo đức.
Người có tiền, muốn có đạo đức thì phải kiềm chế bớt việc cố kiếm tiền bằng mọi giá.
Nhưng theo một cái vòng luẩn quẩn, người có đạo đức bán bớt đạo đức mới có thêm tiền, có tiền rồi lại muốn trở nên đạo đức nên không còn làm nhiều việc thiếu đạo đức để có nhiều tiền, nhưng thiếu tiền lại bán bớt đạo đức… cứ mãi thế, luẩn quẩn giữa tiền và đạo đức, thành ra cứ sống theo kiểu “đạo đức giả” mà đâu có hay.
Xã hội là thế, đừng cố đạt được cả hai, chỉ là ít nhiều nên nghĩ về hai cái, rồi đừng để mất cái nào, giữ lại được bao nhiêu thì giữ.


                                                                                                                                                 GreenStar

Không có nhận xét nào