ĐỪNG BỎ LỠ

Ánh đèn đêm đông


Ngày bé, tôi vẫn thường được bố dùng chiếc xe đạp phượng hoàng đưa đi, đón về.



Ngày ấy nhà tôi chỉ mới có ba thành viên, sống ở khu nhà tập thể trong trường tiểu học mẹ tôi dạy. Những ngày đông ở miền núi không lạnh cắt da cắt thịt, nhưng cũng đủ làm tôi muốn cuộn tròn trong lòng bố.

Sáng sớm bố đạp xe đi làm, không quên bế tôi bỏ vào giỏ xe rồi chở đến nhà bác. Vì còn nhỏ tuổi nên tôi chưa thể theo học lớp một, bố mẹ gửi tôi cho bác gái đang trông coi một quán nước trong khu du lịch. Đến tối, bố đón tôi về. Vì gió lạnh nên bố cho tôi ngồi yên sau, dùng chiếc khăn len buộc ngang người tôi và bố để tôi không bị ngã. Cả đoạn đường về, tôi líu lo hát cho bố nghe những bài bố dạy, áp má ửng đỏ vì lạnh vào lưng bố, hít thật sâu mùi mồ hôi pha chút hương gió đông nơi áo bố, tôi có cảm giác ngọt ngào đến kỳ lạ. Ánh đèn pin được bố gắn vào cổ xe rọi sáng cả một vùng ấm áp.


Tôi vào tiểu học rồi lên cấp hai, biết đi xe đạp rồi nên năn nỉ bố mẹ mua cho một chiếc xe mini. Thời ấy xe đạp còn có giá, muốn mua một chiếc mới cũng mất cả tháng lương của bố, thế nên tôi chỉ xin mua xe cũ. Vài hôm trước sinh nhật tôi, bố đưa về chiếc mini Nhật màu bạc đã cũ, nhưng đi còn tốt. Tôi hạnh phúc đến mức cứ thế lao xe vun vút ra đường, đi đến nhà vài đứa bạn để khoe xe mới.

Hồi ấy cũng không có điện thoại như bây giờ, mỗi lần muốn gọi đi đâu thì phải ra bưu hoặc bos điện thoại công cộng, thế nên tôi muốn ra ngoài thì phải xin phép và nói rõ địa điểm sẽ đi và thời gian sẽ về để bố đến đón. Nhưng hôm ấy có chút khác biệt, vì tôi đã đi xe mới ra ngoài mà quên chưa xin phép nên dĩ nhiên tôi phải tự tìm đường về.

Đêm đông nên đường vắng, chỉ lác đác vài chiếc xe thồ đứng ở ngã ba, ngã tư. Đường rộng lại càng thêm lạnh lẽo, tối tăm. Tôi nhận ra đèn của chiếc xe này đã cháy bóng nên càng lo sợ mỗi khi phải đi qua đoạn đường không nhà ở, tôi lao thục mạng như ma đuổi. 

Tới đoạn đường đá, tôi không dám đi nhanh mà cũng không dám đạp một cách bình thường vì sợ hỏng xe, nhấp bàn đạp từ từ, tôi căng mắt nhìn trong bóng tôi và đi theo cảm tính trên con đường quen thuộc. Bỗng có ánh sáng từ phía sau hắt lên làm tôi thấy rõ cả những viên đá nhỏ, tôi vừa mừng vừa lo vì không biết ai đang đi sau mình. Nhưng cứ lúc tôi đi nhanh thì ánh sáng cũng theo nhanh, chậm cũng chậm thì tôi mới run rẩy nghĩ đến điều xấu. 


Trời lạnh làm hai tay tôi tê buốt đến nỗi đầu xe cứ lắc lư liên lục. Ánh sáng phía sau cứ như muốn nuốt chửng tôi, vì dù có thế nào cũng không thoát khỏi vùng sáng ấy. Chợt khi ấy tôi nghĩ ra một việc làm điên rồ. Tôi lao nhanh rồi phanh lại đột ngột khiến thứ đi phía sau không kịp tránh, lao thẳng vào đuôi xe tôi. Tôi nhảy nhanh khỏi xe, quay lại nhìn phía sau thì nhận ra ánh đèn quen thuộc, cái xe quen thuộc và cả dáng người cao gầy cũng quen thuộc. Tôi bật khóc nức nở. Cho đến tận bây giờ, tôi cũng không hiểu vì sao mình khóc, vì cái xe mới mua bị tông trúng hỏng mất dè hay vì người đàn ông theo sau mình.

- Xe hỏng mất rồi, thế này là bố phải sửa lại thêm nhiều nữa mới đi được.

Bố ốm tôi vào lòng, tôi vẫn khóc, hai má khô rát vì lạnh. Hai chiếc xe cũ dựng cạnh nhau, ánh đèn pin chiếu sáng một khoảng đường nơi bố con tôi đứng. Giờ phút ấy tôi lại được áp mặt vào ngực bố, được hít hà mùi mồ hôi quyện với gió đông như năm xưa và ấm, thật sự rất ấm và ngọt ngào.


GreenStar