Mẹ là thần tượng trong lòng tôi
Tôi hiểu có nhiều điều không cần nói ra, không cần viết ra, chỉ cần lắng đọng lòng mình thì cũng đã đủ để sưởi ấm trái tim một người.
Lần đầu tiên tôi viết về mẹ là lúc tôi lên mười. Trong kì thi chọn học sinh giỏi của trường, đề văn yêu cầu kể lại buổi ăn tối của gia đình em, với trí tưởng tượng phong phú, tôi đã biến mẹ của mình thành một bà nội trợ rất giỏi, nấu những món ăn ngon nhất thế gian. Ôi không phải rồi, mẹ tôi cũng là một người nội trợ bình thường, nấu những món ăn bình thường và bà ấy là giáo viên.
Lần thứ hai tôi viết về mẹ là lúc tôi lên lớp sáu. Tôi không chịu được những con điểm sáu đáng ghét cứ đeo bám môn văn của mình, tôi sợ ước mơ trở thành giáo viên dạy văn của mình thất bại và cuối cùng tôi quyết tâm quay ngược con số sáu ấy thành con số chín. Có lẽ ông trời thấu hiểu được mong muốn của tôi chăng?
Đề văn tiếp theo tôi nhận được là viết về người thân em yêu quý nhất, tôi bắt đầu thỏa trí tưởng tượng của mình, tôi biến mẹ thành một bà mẹ đi bán bánh rong, thức dậy rất sớm và đi ngủ rất muộn. Tôi thường nhìn lén bà qua khe hở vách ngăn và nước mắt tôi lăn dài trên má vì thương mẹ. Mẹ thường ôm tôi vào lòng rồi hát ru cho tôi ngủ, tôi mồ côi bố, chỉ có hai mẹ con sống trong căn nhà rách nát. Tôi hài lòng với bài văn của mình và rồi quyết tâm của tôi đã thực hiện được, con chín đỏ chói trên bài văn. Tôi đã mừng đến rơi nước mắt, tôi tự hào vì mình đã không từ bỏ ước mơ và không khuất phục khó khăn để đến được với thành công.
Tôi đã được cô giáo tuyên dương, nhưng sao những lời cô nói khiến tôi thật xấu hổ, cô nói nhà tôi nghèo mà có ý chí, nghị lực cao, cô còn tưởng tôi chính là cô bé hàng xóm cạnh nhà cô, bởi hoàn cảnh cô bé ấy không khác gì với câu chuyện tưởng tượng của tôi. Phải chăng quả đất này bé nhỏ đến mức chuyện tưởng tượng và đời thường giống nhau đến thế? Ôi không phải đâu, mẹ tôi không bán bánh rong, tôi không mồ coi cha và cũng không nghèo đến mức ở căn nhà rách nát.
Lần thứ ba, mẹ xuất hiện trong bài văn của tôi là khi tôi lên lớp chín. Có lẽ ý thức của một con bé lớp chín đã đủ chín chắn để không phải dùng những cảm xúc tưởng tượng để viết về mẹ của mình. Tôi bắt đầu đưa cảm xúc vào sự thật, mẹ tôi là giáo viên, mẹ tôi rất bình thường và cũng yêu thương gia đình như bao bà mẹ khác. Mẹ không bán bánh rong, nhưng cuối tuần mẹ lại cùng bố vào rẫy làm cà phê, có thể nói ngoài tiền lương dạy học thì mảnh vườn cà phê nhỏ này là nguồn nuôi sống gia đình tôi, tiền học phí của chị em tôi.
Giờ đây, tôi đã bước qua tuổi mười bảy, sắp sửa vào đời theo đúng nghĩa của cụm từ “sống tự lập” và tôi nhận ra hình ảnh của mẹ trong những bài văn của tôi chân thật hơn, cảm xúc hơn. Tôi luôn muốn viết về mẹ, nhưng lại sợ giống với mẹ của ai đó, giống một mô típ nào đó nên ngần ngại rồi thôi không viết nữa, thế là cứ để cảm xúc dần lặng yên. Nhưng làm sao ngăn được cảm xúc trong lòng mình? Tôi hiểu có nhiều điều không cần nói ra, không cần viết ra, chỉ cần lắng đọng lòng mình thì cũng đã đủ để sưởi ấm trái tim một người.
Mẹ tôi là một cô giáo dạy tiểu học, gần hai mươi năm gõ đầu trẻ, mẹ trở thành thần tượng trong lòng tôi. Phải rồi, tôi vẫn quay lại cái mô típ cảm nhận về mẹ, bởi vì tôi cũng giống những đứa con khác, cũng yêu mẹ và hạnh phúc khi có mẹ. Có thể đến chừng nào tôi trở thành mẹ thì mới thấu hiểu hết nỗi lòng của một người mẹ, dù đã mười bảy tuổi, nhưng tôi vẫn là trẻ con khi mẹ gọi tôi là con, tôi gọi mẹ là mẹ.
GreenStar