Bàn một chút về đạo đức nghề viết
Bàn một chút về đạo đức nghề viết, mình xin phép kể năm câu chuyện mình đã từng trải qua.
Câu chuyện thứ nhất:
Cách đây 5 năm, khi mình còn ở thời kỳ sung mãn trong nghiệp cầm bút, mình viết mạnh đến nỗi mỗi ngày có thể cho ra 3-4 bài tản văn, cứ 2 ngày có 1 truyện ngắn, chưa kể mình đủ sức săn lùng và tham gia nhiều cuộc thi viết cùng lúc. Dạo đó có một cuộc thi viết về dịp cuối năm, mình hào hứng đăng ký tham gia. Trước đó một năm mình đã viết một bài được đăng kenh14 khá ưng ý, mà trong cuộc thi cho phép sử dụng bài đã đăng ở nơi khác, miễn là thuộc quyền sở hữu của bản thân. Mình gửi đi được một thời gian thì nhận được phản hồi là mình ĂN CẮP bài từ người khác, có dẫn link. Mình hoang mang mở link lên xem thì thấy đó là trang cá nhân của một bạn nào đó, bạn ấy dùng bài của mình để thay đại từ nhân xưng, ở dưới comment nhiều người khen ngợi thì bạn không ngần ngại nói rằng đó chỉ là những cảm xúc thật lòng bạn muốn viết ra. Mình rất giận. Mình viết email cho ban tổ chức cuộc thi để chứng minh sự trong sạch, viết comment đề nghị bạn kia xem xét bản thân. Nhưng rốt cuộc thì ban tổ chức chọn cách loại mình vì thấy rắc rối, bạn nữ kia chọn cách im lặng rồi xóa comment của mình.
Câu chuyện thứ hai:
Cách đây 3 năm về trước, khi mình còn cộng tác viết truyện ngắn và tản văn cho kenh14, Mực Tím online, mình viết được một bài ưng ý và hào hứng gửi cho cả hai bên. Ngày hôm sau bài đó được đăng cả hai bên, Kenh14 lên buổi sáng thì Mực Tím lên buổi chiều. Mình tá hỏa vì theo nguyên tắc của cả hai báo, không thể đăng bài của CTV đã đăng ở báo khác. Ban đầu mình định sẽ im lặng, nhưng sau đó mình quá day dứt nên nhắn tin cho sếp bên Mực Tím nhờ anh ấy tháo bài. Dù bị khiển trách và nhắc nhở, nhưng trong lòng mình cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng.
Câu chuyện thứ ba:
Cách đây 1 năm, mình từng khổ sở chờ đợi cuốn sách thứ 6 được xuất bản. Cho đến khi sách phát hành thì cũng là thời điểm NXB thay đổi ban giám đốc nên mình gặp chút khó khăn trong chuyện liên hệ hỗ trợ truyền thông. Lúc này mình biết giám đốc mới là người mình từng biết nên mình mạnh dạn nhắn tin trao đổi. Trong lúc đang cao hứng chia sẻ quan điểm về mối liên quan giữa tác giả trẻ với đơn vị phát hành, mình có nói mình là một người đã từng ra 6 cuốn sách, chỉ vì vậy mà giám đốc đã tiễn mình đi xa không lời từ biệt. Mình biết đã có hiểu lầm, nhưng không giải thích vì thời điểm đó cái tôi không cho phép mình trình bày thêm. Mãi một năm sau, vô tình mình gặp lại vị giám đốc ấy, lắng nghe chia sẻ từ người đó, mình quyết định vẫn không giải thích, thay vào đó là dành lời xin lỗi chân thành. Vì mình biết trong câu chuyện này, không có người đúng người sai, chỉ có câu nói sai thời điểm mà thôi.
Câu chuyện thứ tư:
Gần đây có một bạn CTV sau khi bị bên mình từ chối nhận bài hoặc được yêu cầu sửa bài đã quay lại nói bên mình không tôn trọng bạn ấy, yêu cầu xin lỗi và còn đe dọa sẽ lên các diễn đàn để tung tin nói xấu, trù dập bên mình. Bạn dẫn chứng bên A, bên B đã từng phải xin lỗi bạn thế nào, làm sao. Bạn dùng những lời lẽ không tục tĩu nhưng mang tính thóa mạ bên mình để chỉ yêu cầu bên mình phải xin lỗi, mà xin lỗi về việc gì, bạn quanh co câu chuyện dài mãi rồi cuối cùng nói không thèm chấp bên mình. Ban đầu mình nghĩ bạn còn trẻ, nhưng sau đó biết bạn bằng tuổi mình, cũng có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề viết, vậy mà cách hành xử không khác gì, à không, thua xa những em mới bắt đầu vào nghề. Sau cùng mình gửi email chủ động ngưng cộng tác với bạn và từ chối những bài viết khác chưa được duyệt, dù bài có tốt đến đâu. Quan điểm làm việc của mình là khả năng có thể đi sau, có thể đào tạo dần nhưng thái độ là điều tiên quyết. Mình chấp nhận làm việc cùng những bạn mới, nhưng nhiệt huyết và có tâm chứ không cần những cái cây già thân to nhưng rễ mục.
Câu chuyện thứ năm:
Mình vừa nhận được báo cáo từ đồng nghiệp về việc CTV gửi bài copy, không chỉ lần đầu mà từ nhiều lần trước. Bạn đã cộng tác với bên mình từ rất lâu, nhưng khi bị hỏi thì quay sang nói em không biết. Mình buồn, buồn đầu tiên là buồn bên mình. Rõ ràng do bên mình dễ quá nên để các bạn có cơ hội hình thành thói quen xấu. Cái buồn khác là buồn cho những bạn trẻ rao lớn là yêu viết, đam mê viết, nhưng khi viết để kiếm tiền thì lại bất chấp không phân biệt đúng sai, phải trái, nhìn cái lợi trước mắt để làm hư, làm xấu hình ảnh bản thân. Nhưng cũng nhờ vậy mình mới nhìn lại cách làm việc và điều chỉnh, để về lâu dài không có thêm vụ nào như vậy nữa.
Năm câu chuyện trên là một số rất ít những chuyện mình đã trải qua trong gần 10 năm theo đuổi đam mê, từ vị trí người viết đến quản lý người viết. Đi càng lâu trên con đường này, mình nhận ra càng phải cẩn thận và phòng vệ với chính bản thân mình, nếu không rất dễ đánh mất đạo đức người viết. Mình không chê trách hay phê phán bất cứ nội dung viết nào, dù hay dù dở, miễn do tự thân, mình đều tôn trọng. Có thể khi buộc phải thay đổi phong cách viết, nội dung viết vì đang bán chữ kiếm tiền, chúng ta sẽ có lúc bất mãn, buồn phiền, nhưng vẫn nên cố giữ đạo đức người viết. Rằng viết đẹp thì cũng nên nghĩ đẹp, nói đẹp, hành xử đẹp. Rằng sau quãng thời gian bán chữ kiếm tiền, cũng nên dành thời gian để luyện riêng cho bản thân mình. Rằng, đừng ăn cắp, hãy mượn văn minh và tôn trọng chữ người khác cũng chính là đang tôn trọng những tác phẩm của chính mình.
Không có nhận xét nào